Đau cổ tay khi chơi cầu lông là một tình trạng rất phổ biến và có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng đau cổ tay có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng, trong một số trường hợp còn cần đến sự can thiệp y tế để điều trị.
Đau cổ tay là một chấn thương trong cầu lông rất thường gặp. Hiểu về các loại chấn thương gây đau cổ tay sẽ giúp bạn hạn chế được các nguy cơ cũng như biết thêm những phương pháp có thể cải thiện tình trạng đau này.
Các loại chấn thương có thể gây đau cổ tay khi chơi cầu lông
Cổ tay được cấu tạo từ 2 xương cánh tay (xương trụ và xương quay) và 8 xương cổ tay (lần lượt là xương thuyền, xương nguyệt, xương tháp, xương đậu, xương thang, xương thê, xương cả và xương móc). Các xương này được kết nối với nhau bởi nhiều dây chằng.
Đau cổ tay khi chơi cầu lông có thể do căng cơ, bong gân hoặc nghiêm trọng hơn là gãy xương cổ tay. Căng cơ là hiện tượng các sợi cơ ở khu vực cổ tay bị căng quá mức hoặc bị rách. Trong khi đó, bong gân là một dạng chấn thương dây chằng cổ tay mà không liên quan đến bất kỳ chấn thương ở xương nào.
Điều này có nghĩan là không có gãy xương hoặc vết nứt trên xương. Với tình trạng bong gân thông thường, bạn chỉ bị giãn hoặc rách một phần dây chằng.
Tuy nhiên, trong trường hợp bong gân cổ tay nặng, dây chằng của bạn có thể bị rách hoàn toàn. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị gãy xương cổ tay. Gãy xương cổ tay là tình trạng một hoặc nhiều xương ở cổ tay bị gãy hoặc nứt.
Nguyên nhân gây đau cổ tay khi chơi cầu lông
Đau cổ tay khi chơi cầu lông có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn có thể bị đau cổ tay nếu sử dụng vợt quá nặng hoặc quá nhẹ, nếu không thực hiện các bài tập khởi động cổ tay trước khi chơi hoặc không giãn cơ đúng cách sau khi tập xong.
Nếu bỏ qua các bước này, cơ ở cổ tay của bạn sẽ bắt đầu trở nên cứng và bạn có thể cảm thấy đau khi ngủ hoặc vào ngày hôm sau.
Không khởi động hoặc giãn cơ đúng cách có thể khiến bạn bị đau cổ tay khi chơi cầu lông
Biểu hiện của các chấn thương cổ tay
Một số các dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương cổ tay, bao gồm:
- Sưng tấy cổ tay
- Cổ tay trở nên ấm hoặc nóng
- Đau ở cổ tay khi di chuyển lên xuống
- Bầm tím
- Khó cử động khớp cổ tay
- Cổ tay bị biến dạng
Sự trầm trọng của các cơn đau hoặc mức độ hạn chế cử động cổ tay không được dùng để chẩn đoán xem bạn có bị bong gân hoặc gãy xương hay không.
Các phương pháp có thể thực hiện khi bị đau cổ tay
Chườm đá lạnh
Chườm một túi đá lạnh lên vết thương có thể giúp giảm đau và ngăn ngừa vết thương bị sưng tấy nhờ giảm lưu lượng máu đến khu vực này, đặc biệt là trong vòng một hoặc hai ngày đầu tiên sau khi bị thương. Để tránh bị tê tay, bạn không nên đặt đá trực tiếp lên da.
Thay vào đó, hãy bọc đá trong một miếng vải mỏng hoặc khăn trước khi chườm lên vùng bị thương. Mỗi lần, bạn chỉ nên chườm trong khoảng 15 – 20 phút và để da trở lại nhiệt độ bình thường sau đó.
Các bài tập cổ tay
Nếu chườm đá không hiệu quả, bạn có thể thực hiện bài tập dưới đây để giúp cải thiện tình trạng chấn thương của mình. Bài tập cổ tay gồm 2 động tác:
Động tác 1: Bạn đưa tay bị chấn thương về phía trước sao cho bàn tay vuông góc với cánh tay và các ngón tay hướng lên trên. Lòng bàn tay còn lại đặt áp vào lòng bàn tay của tay bị chấn thương, ấn nhẹ nhàng. Bạn giữ tư thế này trong 5 giây, sau đó thả ra.
Cách thực hiện động tác 1
Động tác 2: Gập bàn tay bị thương lại sao cho các ngón tay hướng xuống đất. Lúc này, đặt lòng bàn tay của tay còn lại áp vào mu bàn tay của tay bị thương, ấn nhẹ nhàng. Bạn giữ tư thế này trong 5 giây rồi thả ra.
Cách thực hiện động tác 2
Lặp lại 5 lần bài tập này sẽ giúp các cơ của bạn được thả lỏng và bớt đau.
Khi nào cần can thiệp y tế
Nếu bị đau dữ dội, các khớp ở cổ tay bị biến dạng, tê hoặc không thể cử động được, lúc này, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện tượng khớp bị biến dạng hoặc sưng tấy nghiêm trọng có thể là biểu hiện của gãy xương hoặc trật khớp và cần được can thiệp chuyên khoa để điều chỉnh.
Nếu khớp không bị biến dạng và các cơn đau có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau không kê đơn, bạn có thể đợi 12 – 24 tiếng trước khi quyết định xem mình có nên đến gặp bác sĩ hay không. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn vài ngày sau đó, bạn cần đến bệnh viện ngay.
Phòng ngừa chấn thương gây đau cổ tay khi chơi cầu lông
Phòng ngừa đau cổ tay không khó lắm. Bạn có thể bắt đầu bằng việc bổ sung thêm canxi cho cơ thể để giúp xương rắn chắc hơn.
Bạn cũng nên tránh để bị té ngã. Té ngã là một việc không thể tránh khỏi khi chơi cầu lông. Tuy nhiên, bạn nên tránh tiếp đất bằng cổ tay. Luyện tập với cường độ cao có thể gây tổn thương cổ tay của bạn, vì vậy bạn hãy đảm bảo rằng mình được nghỉ ngơi đầy đủ.
Ngoài ra, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ cổ tay khi chơi cầu lông là cách tốt nhất giúp bạn phòng ngừa chấn thương gây đau cổ tay.
Thế Giới Sport hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đau cổ tay khi chơi cầu lông cũng như những việc bản thân có thể làm để cải thiện tình trạng chấn thương của mình. Trong các trường hợp nặng, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo
Common types of Badminton injuries and its treatment https://badmintonisgreat.com/common-badminton-injury-treatment/ Ngày truy cập: 18/8/2020
Top 7 Common Badminton Injuries and Prevention https://www.sportsuncle.com/index.php?route=blog/article&article_id=58 Ngày truy cập: 18/8/2020