Cũng như các môn thể thao khác, bạn có thể gặp phải những chấn thương trong cầu lông nếu chơi sai kỹ thuật hoặc tạo quá nhiều áp lực lên các cơ và khớp. Các chấn thương này thường gây đau đớn và nếu không được điều trị triệt để có thể gây ra những hậu quả lâu dài.
Bạn có thể bị chấn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như vai, khuỷu tay, đau cổ tay khi chơi cầu lông, đầu gối hoặc mắt cá chân. Các chấn thương ở chi dưới thường xảy ra khi bạn thực hiện các cú nhảy cao hoặc thay đổi hướng đánh đột ngột. Hiểu về các chấn thương thường gặp trong cầu lông có thể giúp bạn hạn chế những tình trạng này.
1. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (tennis elbow)
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay hay còn gọi là hội chứng khuỷu tay quần vợt, là một thuật ngữ chung dùng để chỉ những cơn đau ở bên ngoài khuỷu tay có thể gặp phải do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Những cú đánh cầu trái tay sai kỹ thuật do khuỷu tay bị cong hoặc yếu có thể gây nên hội chứng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay. Một số hoạt động hằng ngày như gõ bàn phím, sử dụng tuốc-nơ-vít hoặc cầm nắm các vật nặng cũng có thể gây nên hội chứng này.
2. Viêm lồi cầu trong xương cánh tay (golfer’s elbow)
Đây là một loại chấn thương tương tự như viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, chỉ khác vị trí đau nằm ở bên trong khuỷu tay. Mặc dù chấn thương cấp tính có thể xảy ra ở những người đánh cầu quá mạnh hoặc thực hiện không tốt kỹ thuật chơi cầu nhưng các triệu chứng của viêm lồi cầu trong xương cánh tay cũng có thể xuất hiện từ từ qua những lần vận động quá mức.
Những người chơi cầu lông có thể bị viêm lồi cầu trong hoặc ngoài xương cánh tay
3. Viêm gân cổ tay (RSI/wrist tendonitis)
Viêm gân cổ tay hay chấn thương do tình trạng quá tải lặp đi lặp lại được biểu hiện bởi những cơn đau ở cánh tay, cổ tay và bàn tay. Các triệu chứng của viêm gân cổ tay thường phát triển dần dần theo thời gian và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các cơn đau do viêm gân cổ tay có thể là đau nhói, đau âm ỉ hoặc chỉ là cảm giác nhói đơn thuần.
4. Bong gân cổ tay (wrist strain)
Bong gân cổ tay là tình trạng đau ở cổ tay. Tình trạng này có thể xảy ra do ảnh hưởng của một lực đột ngột hoặc do vận động quá mức. Các triệu chứng của bong gân cổ tay chính là đau ở cổ tay, có thể phát triển dần dần hay xuất hiện đột ngột.
Một số vùng trên cổ tay có thể bị đau và bạn không nên tiếp tục cử động cổ tay quá mạnh vì việc này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng chấn thương. Đôi khi cổ tay của bạn còn có thể bị sưng tấy.
5. Viêm gân chóp xoay (rotator cuff tendinopathy)
Viêm gân chóp xoay hay viêm gân khớp vai là tình trạng thoái hóa ảnh hưởng đến một hay nhiều gân của chóp xoay ở vai. Tình trạng này có thể trở thành một trong những nguyên nhân gây đau vai nếu không được điều trị đúng cách trong thời gian dài.
Viêm gân chóp xoay là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vai
>>> Xem thêm: Đánh cầu lông bị đau vai : Cách xử lý đơn giản cho bạn
6. Chấn thương chóp xoay (rotator cuff injuries)
Chấn thương chóp xoay là tình trạng bất kỳ nhóm cơ nào trong số 4 nhóm cơ chóp xoay hay các gân kết nối cơ với xương bị căng hoặc rách do vận động quá mức hoặc chấn thương, thường rất dễ gặp ở các môn thể thao dùng vợt. Điều trị loại chấn thương này bằng cách giảm đau và viêm trước.
Sau đó, bệnh nhân cần tuân thủ theo chế độ điều trị phục hồi đầy đủ bao gồm các bài tập thể dục thể thao, bài tập tăng cường và bài tập vận động chuyên biệt để hồi phục hoàn toàn.
7. Bong gân mắt cá (ankle sprains)
Bong gân mắt cá chân là một trong những chấn thương phổ biến nhất và dễ mắc lại nhiều lần nhất trong thể thao. Trong phần lớn các trường hợp, cổ chân của bạn bị lật vào trong, khiến dây chằng bên mác (dây chằng bên ngoài mắt cá chân) bị dãn quá mức, từ đó dẫn đến tổn thương.
Dù chỉ bị thương ở một phần của mắt cá nhưng bạn vẫn có thể bị đau toàn bộ khớp ở mắt cá chân nơi có dây chằng bị tổn thương. Sau khi bị bong gân, tình trạng sưng hoặc bầm tím có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau 48 tiếng tùy thuộc vào phần bị tổn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
8. Viêm gân bánh chè (jumper’s knee)
Viêm gân bánh chè là một chấn thương do vận động quá mức dẫn đến đau ở phần phía trước đầu gối, thường xuất hiện tại một điểm ở phía dưới xương bánh chè. Tình trạng quá tải lặp đi lặp lại do chạy hoặc nhảy quá nhiều sẽ gây viêm hoặc thoái hóa gân bánh chè.
Viêm gân bánh chè là một chấn thương khó điều trị và cần thời gian nghỉ ngơi để bình phục. Thêm vào đó, bạn cũng cần tuân theo chế độ điều trị và các phương pháp phục hồi chức năng khác.
Những chấn thương trong cầu lông có thể gây đau đớn và đôi khi dẫn đến các vấn đề lâu dài. Vì vậy, bạn cần trang bị cho mình các kỹ thuật cũng như vật dụng hỗ trợ để giúp hạn chế tối đa tình trạng này.
Một điều quan trọng khác, nếu gặp phải những chấn thương trong cầu lông, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để chấn thương tiến triển thành các tình trạng nặng hơn.
>>> Xem thêm: Đánh cầu lông bị đau vai: Cách xử lý đơn giản cho bạn
>>> Xem thêm: Đánh cầu lông bị cổ tay : Cách xử lý đơn giản cho bạn
Nguồn tham khảo
Badminton Injuries https://www.sportsinjuryclinic.net
Chủ đề: Cầu Lông